Brief là thuật ngữ quen thuộc trong lĩnh vực truyền thông – quảng cáo, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nó. Brief là một tài liệu tóm tắt thể hiện ngắn gọn các yêu cầu và thông tin cần thiết mà bên khách hàng gửi đến đơn vị thực hiện dự án.
Nó là cầu nối giao tiếp giữa khách hàng và nhóm thực hiện, đồng thời là kim chỉ nam giúp đảm bảo mọi người đều hướng đến cùng một mục tiêu. Một bản brief hoàn hảo không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực mà còn tăng đáng kể khả năng thành công của dự án.
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về brief, từ định nghĩa cơ bản đến những yếu tố cốt lõi tạo nên một bản brief hoàn hảo. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các loại brief khác nhau, vai trò quan trọng của chúng trong quá trình thực hiện dự án, và những yếu tố và các bước cụ thể để tạo ra một bản brief hiệu quả.
Brief là gì?
Brief trong lĩnh vực Marketing là tài liệu ngắn gọn nhưng đầy đủ thông tin, mô tả những yêu cầu mà khách hàng (Client) cung cấp đến đơn vị cung cấp dịch vụ Marketing (Agency). Brief không chỉ là danh sách yêu cầu mà còn là công cụ giao tiếp quan trọng, giúp các bên liên quan hiểu rõ mục tiêu, yêu cầu và kỳ vọng của dự án.
Bên cạnh đó, bản brief này còn được chia sẻ nội bộ với các phòng ban thực thi trong công ty, qua các vị trí như phòng Production, Content Writers hay Graphic Designers giúp các bên nắm rõ thông tin và yêu cầu từ bên khách hàng. Với thông tin từ brief sẽ đảm bảo dự án được phối hợp thực hiện nhất quán và hướng đến cùng một mục tiêu chung.
Một bản brief cấu trúc tốt đóng vai trò then chốt trong thành công của dự án. Nó định hướng mọi người cùng hướng đến mục tiêu chung, hạn hiểu lầm thông tin giữa các bên. Đồng thời, brief chi tiết và rõ ràng sẽ tối ưu hóa thời gian và nguồn lực, đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ và đạt kết quả mong muốn.
Các loại Brief phổ biến
Có 4 loại brief phổ biến thường gặp bao gồm Communication, Creative, Video và Design Brief. Nội dung bên dưới sẽ giúp bạn nắm rõ và sử dụng hiệu quả các loại Brief này.
Communication Brief: Client and Agency
Communication brief là tài liệu quan trọng giúp khách hàng (Client) và đơn vị cung cấp dịch vụ (Agency) thống nhất về mục tiêu, sản phẩm bàn giao và kỳ vọng của dự án. Nó đóng vai trò như cầu nối giữa nhu cầu của Client và khả năng thực hiện của Agency, đảm bảo rằng cả hai bên đều hiểu rõ và đồng thuận về hướng đi của dự án.
Các yếu tố chính của một Communication brief bao gồm:
- Job Description: Mô tả rõ ràng về các nhiệm vụ agency cần thực hiện, như phát triển chiến lược marketing hoặc tạo ra một loạt quảng cáo.
- Target Audience: Chi tiết về đặc điểm nhân khẩu học, tâm lý học và hành vi của đối tượng mục tiêu.
- SMP (Single-Minded Proposition): Thông điệp cốt lõi hoặc đề xuất bán hàng độc đáo mà chiến dịch cần truyền tải.
- Key Response: Phản ứng hoặc hành động mong muốn từ đối tượng mục tiêu, như mua sản phẩm hoặc truy cập website.
- Desired Brand Character: Mô tả về tính cách hoặc tông giọng của thương hiệu, như sáng tạo, đáng tin cậy hoặc vui nhộn.
- Budget: Giới hạn và phân bổ tài chính cho dự án.
Ví dụ về một bản Communication Brief:
- Client: Một thương hiệu chăm sóc da mới.
- Job Description: Phát triển chiến dịch ra mắt giới thiệu thương hiệu ra thị trường, tập trung vào lợi ích độc đáo của thành phần tự nhiên.
- Target Audience: Phụ nữ 25-40 tuổi, quan tâm đến sức khỏe, ưa thích sản phẩm hữu cơ.
- SMP: “Chăm sóc da tinh khiết, được tăng cường bởi thiên nhiên.”
- Key Response: Khuyến khích mua thử thông qua giảm giá có thời hạn.
- Desired Brand Character: Tự nhiên, mang tính chuyên gia cao.
- Budget: 150.000.000 phân bổ cho quảng cáo kỹ thuật số, hợp tác với influencer và khuyến mãi tại cửa hàng.
Creative Brief: Account and Creative Team
Creative brief là tài liệu chuyển đổi mục tiêu của khách hàng thành nhiệm vụ cụ thể cho team sáng tạo. Nó đóng vai trò như bản đồ chỉ đường, giúp team sáng tạo hiểu rõ yêu cầu của dự án và tạo ra sản phẩm đáp ứng mong đợi của khách hàng.
Các yếu tố chính của một creative brief bao gồm:
- Project: Mô tả ngắn gọn về chiến dịch hoặc dự án, như ra mắt sản phẩm mới hoặc chiến dịch nâng cao nhận thức thương hiệu.
- Client: Thông tin về khách hàng, bao gồm ngành nghề và vị thế thị trường.
- Brand: Chi tiết về bản sắc, giá trị và vị thế thương hiệu.
- Project Description: Nhiệm vụ và sản phẩm bàn giao cụ thể cho team sáng tạo, như tạo nội dung quảng cáo, thiết kế hình ảnh hoặc sản xuất video.
- Brand Background: Tóm tắt lịch sử thương hiệu và các nỗ lực marketing trước đây.
- Objectives: Mục tiêu cụ thể của sản phẩm sáng tạo, như tăng nhận thức thương hiệu hoặc thúc đẩy chuyển đổi.
- Target Audience: Hồ sơ chi tiết về đối tượng mục tiêu, bao gồm dữ liệu nhân khẩu học và tâm lý học.
- Coverage: Phạm vi địa lý hoặc nhân khẩu học của chiến dịch.
- Budget: Ngân sách phân bổ cho công việc sáng tạo.
- Timing: Lịch trình dự án, bao gồm các mốc quan trọng và thời hạn.
Ví dụ về một bản Creative brief:
- Project: Chiến dịch ra mắt sản phẩm tẩy rửa thân thiện với môi trường mới.
- Client: Một công ty hàng tiêu dùng gia đình.
- Brand: EcoClean – thương hiệu cam kết về tính bền vững và trách nhiệm môi trường.
- Project Description: Phát triển một loạt quảng cáo kỹ thuật số và nội dung mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm mới.
- Brand Background: EcoClean đã là người dẫn đầu trong lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường trong hơn một thập kỷ, nổi tiếng với cam kết giảm thiểu tác động môi trường.
- Objectives: Tăng nhận thức thương hiệu trong nhóm người tiêu dùng có ý thức về môi trường và thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến.
- Target Audience: Người trưởng thành 30-50 tuổi, có ý thức về môi trường và quan tâm đến lối sống bền vững.
- Coverage: Chiến dịch quốc gia với trọng tâm là khu vực đô thị.
- Budget: 100.000 USD cho phát triển sáng tạo và media.
- Timing: Ra mắt chiến dịch trong hai tháng, với thời gian sản xuất ba tuần.
Brief Video
Brief video là tài liệu hướng dẫn quá trình sản xuất nội dung video, bao gồm mục tiêu và định hướng sáng tạo. Nó giúp đảm bảo rằng sản phẩm video cuối cùng đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng và truyền tải hiệu quả thông điệp đến đối tượng mục tiêu.
Các yếu tố chính của một brief video bao gồm:
- Video Objectives: Mục tiêu cụ thể của video
- Target Audience: Đối tượng mục tiêu chi tiết
- Key Messages: Thông điệp chính cần truyền tải
- Visual Style and Tone: Phong cách hình ảnh và tông giọng
- Script and Storyboard: Kịch bản và bảng phân cảnh
- Technical Specifications: Yêu cầu kỹ thuật (độ phân giải, format,…)
- Thời lượng (Duration): Độ dài dự kiến của video
- Kênh phân phối (Distribution Channels): Các nền tảng sẽ đăng tải video
Ví dụ về một brief video:
- Video Objectives: Giới thiệu các tính năng của một smartphone mới.
- Target Audience: Millennials và người dùng Gen Z am hiểu công nghệ.
- Key Messages: Nhấn mạnh camera tiên tiến, thời lượng pin dài và thiết kế thanh lịch của smartphone.
- Visual Style and Tone: Hiện đại, tập trung vào sự đổi mới và tích hợp phong cách sống.
- Script and Storyboard: Video sẽ bắt đầu với người dùng chụp ảnh sống động trong nhiều bối cảnh khác nhau, sau đó là phần minh họa thời lượng pin trong một ngày bận rộn.
- Technical Specifications: Độ phân giải 4K, dài 60 giây, với các chuyển cảnh năng động và nhạc nền.
- Thời lượng: 60 giây.
- Kênh phân phối: Instagram, YouTube và website của công ty.
Brief Design
Brief design là tài liệu hướng dẫn các khía cạnh thị giác và chức năng của một dự án thiết kế. Nó giúp đảm bảo rằng sản phẩm thiết kế cuối cùng không chỉ đẹp mắt mà còn đáp ứng được các yêu cầu chức năng và mục tiêu kinh doanh của khách hàng.
Các yếu tố chính của một brief design bao gồm:
- Project Overview: Tóm tắt dự án, bao gồm mục đích và mục tiêu.
- Target Audience: Thông tin về đối tượng sẽ tương tác với thiết kế.
- Brand Guidelines: Hướng dẫn về cách kết hợp bản sắc thương hiệu, bao gồm màu sắc, font chữ và logo.
- Design Objectives: Mục tiêu cụ thể mà thiết kế cần đạt được, như tạo hình ảnh thương hiệu đáng nhớ hoặc cải thiện trải nghiệm người dùng.
- Deliverables: Danh sách các sản phẩm đầu ra dự kiến, như logo, bao bì hoặc tài sản kỹ thuật số.
- Budget: Giới hạn tài chính cho dự án thiết kế.
- Timeline: Lịch trình, bao gồm thời hạn cho các bản nháp và bàn giao cuối cùng.
Ví dụ về một brief design:
- Project Overview: Thiết kế lại website cho một thương hiệu thực phẩm hữu cơ địa phương.
- Target Audience: Người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe, 25-45 tuổi, ưa thích thực phẩm hữu cơ và có nguồn gốc địa phương.
- Brand Guidelines: Sử dụng bảng màu của thương hiệu (xanh lá, tông màu đất) và logo hiện có, với nhấn mạnh vào diện mạo sạch sẽ, hiện đại.
- Design Objectives: Cải thiện trải nghiệm người dùng với điều hướng dễ dàng, nhấn mạnh nỗ lực bền vững và tạo thiết kế hấp dẫn thị giác phản ánh giá trị thương hiệu.
- Deliverables: Thiết kế trang chủ mới, trang sản phẩm và bản đồ tương tác hiển thị các nhà cung cấp địa phương.
- Budget: 20.000 USD cho thiết kế và phát triển.
- Timeline: Bốn tuần cho thiết kế ban đầu, với bàn giao cuối cùng trong sáu tuần.
Những yếu tố tạo ra bản brief hoàn hảo
Một bản brief hoàn hảo không chỉ đơn thuần là tập hợp thông tin, mà còn là một tài liệu được cấu trúc logic, bao gồm các yếu tố cốt lõi giúp định hướng dự án. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về những yếu tố quan trọng này:
- Làm rõ mục tiêu
- Sản phẩm đạt được
- Thiết lập ngân sách
- Vai trò các bên liên quan
- Quy trình phê duyệt
- Phân bổ thời gian
- Phân tích đối thủ cạnh tranh
Làm rõ mục tiêu
Mục tiêu rõ ràng là yếu tố cốt lõi cho sự thành công của dự án, nó là yếu tố để dự án luôn hướng đến đúng mục đích chung. Khi đặt mục tiêu cho Brief, bạn hãy đảm bảo bằng mục tiêu phải trả lời được các câu hỏi sau:
- Vì sao cần thực thi dự án này?
- Kỳ vọng cho dự án này là gì?
- Có vấn đề nào mà bạn đang cần giải quyết không?
- Đo lường hiệu quả dự án như thế nào
Để đặt ra mục tiêu hiệu quả, bạn có thể áp dụng theo mô hình SMART (Specific: cụ thể, Measurable: đo lường, Achievable: đạt được, Relevant: liên quan, Time-bound: thời gian). Mục tiêu SMART định hướng rõ ràng cho dự án và tạo thước đo cụ thể để đánh giá thành công.
Ví dụ, thay vì mục tiêu mơ hồ như “tăng doanh số”, một mục tiêu SMART có thể là “tăng doanh số bán hàng online lên 20% trong quý 3 năm 2023 thông qua chiến dịch Marketing số”.
Sản phẩm đạt được
Xác định rõ các sản phẩm bàn giao là yếu tố quan trọng để quản lý kỳ vọng chất lượng của dự án. Mỗi sản phẩm bàn giao cần được mô tả chi tiết yêu cầu cụ thể và các quy chuẩn cần đạt được.
Ví dụ, thay vì chỉ nói “Thiết kế website”, hãy cụ thể hóa thành “Thiết kế website responsive gồm 5 trang chính (Trang chủ, Giới thiệu, Sản phẩm, Blog, Liên hệ) với tối ưu hóa tốc độ tải trang”.
Thiết lập ngân sách
Ngân sách là yếu tố quyết định phạm vi và quy mô của dự án. Việc xác định rõ giới hạn ngân sách ngay từ đầu giúp team sáng tạo và thực hiện có thể đưa ra những giải pháp phù hợp và khả thi.
Hãy phân bổ ngân sách cụ thể cho các hạng mục chi tiết như chi phí sản xuất, media, nhân sự và thảo luận về các phương án ngân sách khác nhau (tối thiểu, lý tưởng, tối đa) để linh hoạt trong đề xuất giải pháp.
Liệt kê các bên liên quan
Xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mỗi thành viên trong team là chìa khóa để đảm bảo hiệu quả và tránh chồng chéo trong quá trình triển khai. Mỗi nhiệm vụ cần được gắn với một người chịu trách nhiệm chính, kèm theo đó là những người hỗ trợ nếu cần.
Ví dụ, trong một dự án digital marketing, có thể phân chia trách nhiệm các bên như sau:
- Content Manager: Chịu trách nhiệm phát triển nội dung
- Designer: Tạo các visual cho chiến dịch
- Social Media Specialist: Quản lý và thực hiện posting trên các kênh social
- Project Manager: Điều phối chung và đảm bảo tiến độ
Việc phân công rõ ràng này còn giúp các bên giao tiếp hiệu quả và ra quyết định nhanh chóng trong quá trình thực hiện dự án.
Quy trình phê duyệt
Quy trình phê duyệt rõ ràng giúp đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc thực hiện. Một quy trình phê duyệt hiệu quả cần xác định người có quyền phê duyệt ở mỗi giai đoạn, thời gian cho mỗi vòng feedback, và số lần chỉnh sửa tối đa.
Ví dụ: “Mỗi bài blog cần được review trong 2 ngày làm việc, tối đa 2 vòng chỉnh sửa. Sau khi bài viết được duyệt, sẽ được Project Manager xem qua lần nữa trước khi gửi cho khách hàng”
Ngắn gọn và rõ ràng
Một brief hiệu quả cần ngắn gọn và rõ ràng để tránh gây nhầm lẫn và đảm bảo tất cả các điểm chính được hiểu rõ. Điều này giúp người nhận brief dễ tập trung vào những thông tin quan trọng nhất, loại bỏ các chi tiết dư thừa không cần thiết. Một brief ngắn gọn cũng giúp mọi người trong team dễ dàng nắm bắt được mục tiêu và những yêu cầu chính.
Phân bổ thời gian cụ thể
Việc phân bổ thời gian cụ thể cho từng nhiệm vụ trong brief là rất quan trọng để giữ cho dự án luôn đúng tiến độ. Bằng cách đặt ra thời hạn cho mỗi giai đoạn, brief giúp team quản lý thời gian hiệu quả và ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng. Điều này cũng tạo ra sự minh bạch về kỳ vọng thời gian và giúp xác định sớm các vấn đề tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Phân tích đối thủ cạnh tranh
Việc đưa phân tích đối thủ cạnh tranh vào brief là một phần quan trọng. Phân tích này có thể bao gồm việc xem xét điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ, vị trí thị trường của họ, và cách họ giao tiếp với khách hàng. Những thông tin này giúp xác định cơ hội độc đáo và tránh lặp lại những gì đã được thực hiện trên thị trường.
Các bước để tạo ra một bản brief hiệu quả
Để tạo ra bản brief hiệu quả, bạn có thể tham khảo các bước thực hiện từ thu thập thông tin, soạn thảo, rà soát đến thống nhất bản brief cuối cùng dưới đây.
1.Thu thập thông tin
Bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình tạo brief là thu thập thông tin từ tất cả các bên liên quan. Điều này bao gồm việc tổ chức các cuộc họp với khách hàng, team nội bộ và các đối tác liên quan để nắm bắt đầy đủ yêu cầu, mong đợi và tầm nhìn của dự án. Hãy đặt những câu hỏi, ví dụ:
- “Điều gì khiến dự án này trở nên quan trọng đối với công ty chúng ta?”
- “Làm thế nào để chúng ta đo lường sự thành công của dự án này?”
- “Những thách thức lớn nhất mà chúng ta có thể gặp phải là gì?”
Đồng thời, việc xem xét các tài liệu liên quan như báo cáo thị trường, brief của các dự án trước đó cũng rất quan trọng. Điều này giúp bạn có cái nhìn toàn diện về thị trường và tránh lặp lại những sai lầm đã từng mắc phải.
2. Soạn thảo brief
Sau khi đã thu thập đầy đủ thông tin, bước tiếp theo là soạn thảo bản brief. Đây là quá trình biến các thông tin tổng hợp thu thập trước đó thành một bản brief có cấu trúc logic và mạch lạc. Để soạn thảo brief hiệu quả hãy thực hiện theo các lưu ý sau:
- Bắt đầu với một tổng quan ngắn gọn về dự án, nêu rõ mục tiêu chính và bối cảnh.
- Sắp xếp thông tin theo các mục đã đề cập trong phần “Những yếu tố tạo ra bản brief hoàn hảo”.
- Sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, tránh các thuật ngữ chuyên ngành khi không cần thiết.
- Đảm bảo mỗi phần đều cụ thể và đo lường được. Thay vì nói “tăng nhận thức thương hiệu”, hãy nói “tăng nhận thức thương hiệu lên 30% trong nhóm khách hàng mục tiêu sau 3 tháng”.
- Sử dụng bullet points và danh sách đánh số để tăng tính rõ ràng và dễ đọc.
Hãy nhớ rằng, một bản brief tốt cần cân bằng giữa việc cung cấp đủ thông tin và giữ cho tài liệu ngắn gọn, dễ tiếp cận.
3. Rà soát và chỉnh sửa
Sau khi hoàn thành bản nháp đầu tiên, việc rà soát và chỉnh sửa là bước quan trọng để đảm bảo chất lượng của brief. Hãy gửi bản nháp cho các bên liên quan chính để nhận phản hồi và hoàn thiện. Trong quá trình này, bạn hãy chú ý đến những điểm không nhất quán hoặc mâu thuẫn giữa các phần của brief.
Sau khi nhận được phản hồi, hãy tổng hợp và thực hiện các chỉnh sửa cần thiết. Đảm bảo rằng mọi thay đổi đều phù hợp với mục tiêu tổng thể của dự án.
4. Phê duyệt
Bước cuối cùng trong quá trình tạo brief là nhận được sự phê duyệt chính thức từ tất cả các bên liên quan chính. Tổ chức một cuộc họp phê duyệt cuối cùng, trong đó bạn trình bày tóm tắt brief và giải thích bất kỳ thay đổi quan trọng nào đã được thực hiện. Đảm bảo rằng tất cả các bên đều hiểu và đồng ý với nội dung của brief.
Những sai lầm phổ biến khi tạo brief
Một số sai lầm thường gặp trong quá trình soạn thảo brief có thể gây ra kết quả tệ cho dự án triển khai, dưới đây là các lỗi phổ biến mà bạn thường gặp phải khi tạo brief:
Thiếu rõ ràng
Một trong những sai lầm phổ biến nhất khi tạo brief là sử dụng ngôn ngữ mơ hồ và đặt ra mục tiêu không rõ ràng. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề như:
- Hiểu sai ý đồ của dự án
- Tạo ra sản phẩm không đáp ứng yêu cầu
- Lãng phí thời gian và nguồn lực cho việc làm rõ thông tin
Để tránh điều này, hãy sử dụng ngôn ngữ cụ thể và đo lường được. Thay vì nói “tăng doanh số”, hãy nói “tăng doanh số bán hàng online lên 25% trong quý 4 năm 2023”. Ngoài ra với một số thuật ngữ chuyên ngành, bạn hãy đảm bảo rằng chúng đều được giải thích rõ ràng.
Bỏ qua đối tượng mục tiêu
Việc không xác định rõ hoặc hiểu sai về đối tượng mục tiêu có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho dự án:
- Tạo ra nội dung không phù hợp
- Chọn sai kênh truyền thông
- Lãng phí ngân sách cho những hoạt động không hiệu quả
Để khắc phục, bạn hãy dành thời gian nghiên cứu kỹ về đối tượng mục tiêu và xây dựng chân dung khách hàng chi tiết, bao gồm thông tin về nhân khẩu học, tâm lý học và hành vi. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng dữ liệu thực tế và nghiên cứu thị trường để hỗ trợ cho việc xác định đối tượng mục tiêu cho dự án.
Xem thêm cách xác định chân dung khách hàng và insight của khách hàng trong Marketing
Bỏ qua giới hạn ngân sách và thời gian
Đặt ra ngân sách và thời hạn triển khai không thực tế có thể gây ra nhiều vấn đề như giảm chất lượng sản phẩm cuối cùng và dự án thực tế vượt ngân sách dự kiến.
Để tránh điều này, bạn hãy tham khảo ý kiến của các bên liên quan khi xác định ngân sách và thời hạn thực thi. Ngoài ra, bạn nên xem xét lại các dự án tương tự trong quá khứ để có cái nhìn thực tế về nguồn lực cần thiết và lôn dự trù một khoản ngân sách cho những tình huống bất ngờ.
Xem thêm cách lập ngân sách Marketing hiệu quả và hợp lý.
Kết luận
Một bản brief được xây dựng kỹ lưỡng là nền tảng cho sự thành công của mọi dự án. Việc xác định rõ bản chất và nhận định các loại brief sẽ giúp bạn có kiến thức nền tảng đúng đắn khi bắt tay vào tạo brief. Đồng thời, chúng ta cũng đã tìm hiểu qua về 8 yếu tố và quy trình 4 bước tạo brief hiệu quả cùng những sai lầm cần tránh khi soạn thảo bản brief cho dự án.
Việc đầu tư thời gian và công sức vào việc tạo ra một bản brief chi tiết và chất lượng không chỉ giúp định hướng dự án mà còn tăng đáng kể khả năng thành công. Bằng cách áp dụng những nguyên tắc và các bước tạo brief hiệu quả từ bài viết này, bạn sẽ có thể tạo ra những bản brief tối ưu giúp thúc đẩy sự sáng tạo và đạt được thành công trong mọi dự án của mình.
Câu hỏi thường gặp
Một bản brief nên dài bao nhiêu?
Độ dài của một bản brief phụ thuộc vào độ phức tạp của dự án. Tuy nhiên, nguyên tắc chung là giữ cho brief ngắn gọn nhưng đầy đủ thông tin. Đối với các dự án nhỏ, một brief 1-2 trang có thể là đủ. Đối với các dự án phức tạp hơn, brief có thể dài 5-10 trang.
Ai là người chịu trách nhiệm viết brief?
Thông thường, người quản lý dự án hoặc người dẫn dắt sáng tạo sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc viết brief. Tuy nhiên, quá trình này cần có sự tham gia và đóng góp từ tất cả các bên liên quan, bao gồm khách hàng, team sáng tạo, và các bộ phận khác như marketing hay sales..
Brief có thể được điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án không?
Có, brief có thể và nên được điều chỉnh khi cần thiết trong quá trình thực hiện dự án. Tuy nhiên, bất kỳ thay đổi nào cũng cần được thông báo rõ ràng cho tất cả các bên liên quan và được sự đồng thuận của họ. Điều này giúp tránh sự nhầm lẫn và đảm bảo mọi người đều làm việc dựa trên cùng một thông tin.