Cấu trúc website chuẩn SEO: Checklist 15 tiêu chuẩn tối ưu

Cấu trúc website là là cách thức sắp xếp và tổ chức các trang web, nội dung và liên kết nội bộ trên website. Cấu trúc là một yếu tố quan trọng và góp phần rất lớn trong chiến lược SEO. Vì thông qua cấu trúc website, Google có thể hiểu về độ liên quan và thứ bậc quan trọng của các trang trên website.

Cấu trúc website chuẩn SEO là cách sắp xếp các trang con và bài viết thành các danh mục logic, tạo các liên kết nội bộ chất lượng, hướng đến lợi ích cho trải nghiệm người dùng và công cụ tìm kiếm. Cấu trúc website càng hợp lý giúp công cụ tìm kiếm càng hiểu rõ website của bạn và người dùng dễ dàng tiếp cận thông tin cần thiết.

Cấu trúc website chuẩn SEO bao gồm các yếu tố như: cấu trúc URL, Navigation, Breadcrumb, … Tối ưu những thành phần này giúp bạn tạo ra một cấu trúc website chuẩn SEO và nâng cao khả năng tìm thấy trang web của mình trên các công cụ tìm kiếm và cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn. Chi tiết về các thành phần trên sẽ được đề cập cụ thể trong nội dung bài viết bên dưới.

Một số Case Study thành công mà bên phía GTV mình đã tối ưu cấu trúc chuẩn SEO có thể kể đến như Laptop Trần Phát (laptops.vn), pops.vn. Ở website Laptop Trần Phát, khi nhận dự án có thể nói là một website mới hoàn toàn, các chỉ số về organic search hầu như từ còn số 0. Sau 10-12 tháng triển khai đã có bao gồm tối ưu cấu trúc website chuẩn SEO, website này đã lên top những từ khoá về các dòng sản phẩm laptop Dell. Dù cạnh tranh với những “ông trùm” như thegoididong.com, fptshop.com.vn mà mình vẫn lên top được và thậm chí còn cao hơn các website đầu ngành này. Bạn có thể xem chi tiết kết quả các website mình nêu trên bằng Ahref hoặc SEMRush. Tất nhiên rằng kết quả đó không chỉ từ cấu trúc website mà là sự kết hợp đến các yếu tố khác nữa.

Các loại cấu trúc website trong SEO có thể kể đến 2 loại: Cấu trúc Silo và Topic Cluster. Mỗi loại cấu trúc đều có ưu điểm riêng, và việc lựa chọn phụ thuộc vào nhu cầu , mục tiêu cụ thể của bạn trong lĩnh vực SEO.

Ở bài viết hôm nay, GTV SEO chia sẻ đến bạn những thông tin liên quan đến cấu trúc website cũng như các bước để có thể tạo nên cấu trúc website chuẩn, mong rằng sẽ hữu ích cho bên phía bạn. Cùng tìm hiểu ngay nhé!

Cấu trúc Website là gì?

Cấu trúc website là cách sắp xếp và tổ chức các trang và nội dung trên một trang web, nhằm tạo ra một hệ thống dễ dàng điều hướng cho người dùng và các công cụ tìm kiếm. Cấu trúc website tốt giúp người dùng tìm kiếm thông tin nhanh chóng và tăng cường hiệu quả SEO. Chính vì vậy Cấu trúc website là một trong những hạng mục đặc biệt quan trọng khi bắt đầu một website mới hay bắt đầu một chiến lược SEO tổng thể cho website đó.

Ví dụ: Một trang web thương mại điện tử có cấu trúc website tốt sẽ có các danh mục sản phẩm rõ ràng như “Điện thoại di động,” “Máy tính xách tay,” “Phụ kiện.” Mỗi danh mục này sẽ có các trang con chi tiết về từng sản phẩm cụ thể

Cấu trúc Website (Website Architecture) là gì?
Cấu trúc Website (Website Architecture) là gì?

Đối với người dùng, cấu trúc website giúp họ dễ dàng hiểu được những gì website bạn cung cấp như sản phẩm, nội dung. Thông qua cấu trúc website, họ có thể thao tác, click, tìm kiếm những thông tin mong muốn tại các thành phần như: thanh menu (navigation); breadcrumb danh mục, bài viết với nhau và kết nối các nội dung bằng internal link.

Đối với công cụ tìm kiếm (ở đây mình đề cập là Google), nó sẽ thu thập dữ liệu, nhận biết mức độ liên quan và phân cấp bậc quan trong các nội dung trên website của bạn thông qua cấu trúc. Chính vì điều này, để thúc đẩy thứ hạng từ khóa tổng thể cho hoạt động SEO thì bạn cần thiết lập cấu trúc website chuẩn SEO.

Cấu trúc Website chuẩn SEO là gì?

Cấu trúc website chuẩn SEO là cách tổ chức, sắp xếp và liên kết toàn bộ nội dung trên website một cách hợp lý và logic. Cụ thể là các trang con, bài viết và các danh mục phải được phân chia rõ ràng về độ liên quan và thể hiện tính kết nối thông qua internal link. Mục đích của cấu trúc chuẩn SEO phải hướng đến lợi ích cho người dùng và công cụ tìm kiếm dễ dàng hiểu, tiếp cận các nội dung trên website.

Cấu trúc website càng hợp lý giúp công cụ tìm kiếm càng hiểu rõ website của bạn và người dùng dễ dàng tiếp cận thông tin cần thiết.

Việc tối ưu cấu trúc website chuẩn SEO có thể đem lại nhiều lợi ích tích cực trong SEO như: Google lập chỉ mục các trang nội dung tốt hơn (đặc biệt đối với các website lớn), cải thiện mức độ tương tác của người dùng. Từ đó thứ hạng website, lượng truy cập sẽ cao hơn và công việc kinh doanh từ website cũng cải thiện hơn.

Cấu trúc Website chuẩn SEO bao gồm những gì?

Việc xác định một cấu trúc Website chuẩn SEO sẽ bao gồm 6 thành phần quan trọng sau đây:

  • Cấu trúc URL: Định dạng URL phải thân thiện, dễ đọc và chứa từ khóa liên quan. URL cần phản ánh cấu trúc trang web và nội dung của trang cụ thể.
  • Categories: Sắp xếp nội dung thành các danh mục logic giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm thông tin. Điều này cũng giúp máy chủ tìm kiếm hiểu rõ cấu trúc trang web của bên phía bạn.
  • Navigation: Menu điều hướng phải dễ sử dụng và dễ tìm kiếm. Nó giúp người dùng di chuyển qua các phần của trang web một cách thuận tiện.
  • Internal Links: Liên kết nội bộ giữa các trang trên trang web giúp máy chủ tìm kiếm và người dùng dễ dàng điều hướng giữa các nội dung tương tự hoặc liên quan.
  • Breadcrumbs: Thông qua breadcrumb người dùng sẽ hiểu được vị trí hiện tại của họ trên website và điều hướng trở lại các trang trước hoặc đến trang khác một cách dễ dàng.
  • Sitemap (sơ đồ website) là một tệp bao gồm thông tin các trang và tệp khác nhau trên Website. Sơ đồ này giúp các công cụ tìm kiếm thu thập dữ liệu và lập chỉ mục (Index) nội dung website của bạn.

Tất cả những yếu tố này cùng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra cấu trúc website chuẩn SEO, giúp nâng cao khả năng tìm thấy trang web của mình trên các công cụ tìm kiếm và cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các loại cấu trúc Website trong SEO

Cấu trúc Silo

Cấu trúc Silo là loại cấu trúc website chuyên sâu chia nội dung website thành các thư mục (category) riêng biệt dựa trên những đặc điểm chung nhất định. Những thư mục trong cấu trúc này sắp xếp một cách có trật tự, logic, nhóm theo chủ đề và mức độ liên quan tương ứng.

gtv02 3

Giả sử, mình cần tìm mua những viên bi màu xanh lá cây ở cửa hàng bán bi. Tuy nhiên, sẽ có 2 trường hợp như sau:

  • Sắp xếp lẫn lộn màu bi với nhau trong các hũ: trường hợp này mình cần tìm bi màu xanh lá sẽ khá tốn thời gian.
  • Sắp xếp, phân loại màu bi theo riêng biệt từng hũ: trường hợp này mình chỉ cần lấy bi trong hũ bi màu xanh lá là được, dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều.

Qua đó có thể thấy một website với cấu trúc Silo giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm, truy xuất thông tin mà họ cần. Khi đó, Bot Google cũng dễ dàng hiểu được chủ đề của website, có lợi cho việc website của bạn dễ được thu thập dữ liệu và lập chỉ mục hơn.

gtv03 3

Cấu trúc 1 trang web Silo giúp điều hướng người dùng tìm kiếm chính xác những gì họ cần và giúp công cụ hiểu nội dung bài viết của website hơn. Các cấu trúc website chuẩn SEO silo thường được nhóm chặt chẽ theo 3 yếu tố:

  • Điều hướng bao gồm cả breadcrumb
  • Liên kết theo ngữ cảnh
  • Cấu trúc URL

Cấu trúc này thường áp dụng cho hầu hết tất cả website từ E-commerce cho đến dạng Blog, website dịch vụ.

Cấu trúc Silo bao gồm hai dạng:

  • Cấu trúc Silo vật lý: là hình thức xây dựng cấu trúc website thông qua việc thiết lập cây thư mục URL như một tủ phân loại tài liệu để sắp xếp các trang có liên quan với nhau. Thông thường cấu trúc URL là những gì bạn tác động ở lớp dữ liệu “Back-end”
  • Cấu trúc Silo ảo: là những gì bạn thấy được trực tiếp trên website, thông thường sẽ thể hiện qua việc phân bổ, sắp xếp dựa trên internal link
Mô hình cấu trúc Silo ảo thông qua việc liên kết giữa các trang
Mô hình cấu trúc Silo ảo thông qua việc liên kết giữa các trang

Thông thường, các website trên thế giới cả Việt Nam đều tối ưu 1 dạng hoặc đôi khi chỉ là 1 dạng rưỡi. Bởi vì Silo vật lý khó để làm, khó để hiểu và khó ứng dụng.

Ví dụ về website Thế Giới Di Động không làm chuẩn về silo vật lý, nhưng điều đó không có nghĩa là website này không lên top được. Như bạn thấy thì Thế Giới Di Động vẫn lên top được đó thôi.

Tuy nhiên, nếu bạn tối ưu cả 2 dạng này thì nó sẽ tốt hơn rất là nhiều trong việc bạn ranking tổng thể cho website.

Cấu trúc Topic Cluster

Cấu trúc theo Topic Cluster (cụm chủ đề) là việc nhóm các bài viết hoặc các trang tập trung nói về cùng một chủ đề nhất định. Cấu trúc của một Topic Cluster sẽ bao gồm 2 thành phần chính là:

  • Pillar page (trang trụ cột): là trang chủ đề chính đề cập đến nội dung tổng quát
  • Các Cluster content: đi sâu hơn vào chi tiết từng hạng mục được đề cập trong Pillar page
gtv05 3

Điểm khác biệt với cấu trúc Silo là Topic Cluster có thể nhóm các trang nội dung lại với nhau mà có thể không thật sự quá phụ thuộc vào các thư mục (category). Có thể linh hoạt kết hợp 2 loại cấu trúc này trên cùng một website, tuy nhiên để bạn hình dung rõ hơn thì mình có một ví dụ như sau:

Mình có chủ đề bệnh lý về dạ dày, Topic Cluster sẽ bao gồm:

  • Pillar page: Bệnh đau dạ dày là gì? Tổng hợp 15 thông tin về bệnh lý dạ dày mà bạn cần biết
  • Cluster content: bao gồm nhiều bài viết chuyên sâu giải đáp cho từng vấn đề cụ thể trong chủ đề trên, ví dụ như:
    • Top 5 dấu hiệu bị bệnh đau dạ dày nguy hiểm mà bạn không ngờ đến
    • Nguyên nhân gây bệnh đau dạ dày ở Việt Nam
    • Trị bệnh đau dạ dày với nghệ đen
    • Trị bệnh đau dạ dày với gừng
    • Đau dạ dày nên ăn gì? Chế độ ăn uống hàng ngày dành cho người đau dạ dày
    • Các phòng khám trị bệnh đau dạ dày hiệu quả

Thông qua cấu trúc Topic Cluster, người dùng có thể nhanh chóng tìm thấy được nội dung mà họ đang tìm kiếm. Ngoài ra, thông qua việc internal link giữa các trang theo Topic Cluster cũng giúp người dùng được mở rộng kiến thức và tiếp cận được những tầng kiến thức chuyên sâu hơn trong một chủ đề. Điều này giúp thời gian họ ở lại website của bạn lâu hơn và dễ dàng chuyển họ thành khách hàng hơn.

Vậy nên, cấu trúc Topic Cluster thường áp dụng cho những website chuyên về blog (bài viết blog là phần lớn nội dung trên website) hoặc áp dụng trong phần blog của các website e-commerce.

III. Các bước tối ưu cấu trúc Website chuẩn SEO

1. Phần tầng website

Phân tầng website là việc phân cấp những trang nội dung trên website thành những tầng thể hiện thứ bậc rõ ràng thông qua mức độ liên quan. Để làm được việc này bạn cần nắm được những kiến thức tổng quan về lĩnh vực mà website đang hướng đến. Ngoài ra, việc phân tầng website còn phải dựa trên 2 yếu tố:

  • Modifier Keyword
  • Dựa trên đối thủ

Dựa trên Modifier Keyword

Phân tầng website dựa trên Modifier keyword là việc xác định phân cấp của các trang nội dung thông qua việc phân tích những thành phần (phần gốc và phần modifier) trong hầu hết các keyword xoay quanh một chủ đề nhất định. Dành cho bạn nào chưa biết thì Modifier keywords là những từ khóa bổ nghĩa cho từ khóa chính (Head keyword). Keyword có 2 thành phần chính:

  • Head (phần gốc)
  • Modifier (phần bổ nghĩa)

Để hiểu rõ hơn về Modifier keyword thì bạn có thể tìm hiểu trong bài viết: https://gtvseo.com/nghien-cuu-tu-khoa/

Phân tầng website dựa trên Modifier Keyword
Phân tầng website dựa trên Modifier Keyword

Mình có 1 ví dụ như sau, bạn xem hình bên dưới để dễ hình dung nhé:

gtv07 3

Vì thế cấu trúc sẽ có 2 trường hợp như sau:

  • Trường hợp 1: Bồn cầu > Bồn cầu Toto > Bồn cầu Toto 1 khối
  • Trường hợp 2: Bồn cầu > Bồn cầu 1 khối > Bồn cầu Toto 1 khối

Trong 2 trường hợp trên, việc chọn ra 1 phương án tối ưu nhất để triển khai cho website của mình thì bạn còn cần phụ thuộc vào phân tích dựa trên đối thủ, dựa trên chiến lược kinh doanh sản phẩm và chiến lược thúc đẩy SEO của bạn. Phần này sẽ được đề cập ở trong phần “phân tầng website dựa trên đối thủ” bên dưới.

Từ ví dụ trên, để phân tầng cấu trúc website dựa trên modifier keyword bạn sẽ cần phải làm những bước sau:

Bước 1: Thống kê toàn bộ keyword xoay quanh chủ đề của website bằng công cụ nghiên cứu từ khóa (Keyword Tool, Semrush, Ahref, …)

gtv08 3

Bước 2: Phân tích những thành phần của keyword, xác định phần Head và các modifier

gtv09 3

Bước 3: Phân cấp chúng theo theo mức độ liên quan

Dựa trên đối thủ

Phân tầng website dựa trên đối thủ là việc bạn chọn ra những website đối thủ của mình và phân tích cách tổ chức, sắp xếp và phân tầng các trang nội dung trên website đó rồi tìm ra phương án phân tầng tối ưu cho website của mình. Việc phân tầng website dựa trên đối thủ cơ bản sẽ bao gồm 3 bước như sau:

  1. Chọn ra những website đối thủ cần phân tích (*)
  2. Phân tích cách sắp xếp và phân tầng các trang nội dung trên website đối thủ
  3. Lập ra bảng phân tầng website demo và cân nhắc lựa chọn phương án tối ưu

(*) Việc xác định đâu là website đối thủ cũng rất quan trọng. Bạn cần xác định đúng đối thủ để phân tích dựa trên những tiêu chí như:

  • Website đó phải là website kinh doanh và cung cấp nội dung trong cùng 1 lĩnh vực, ngành nghề với website của bạn
  • Website đó phải là website đã lên top hầu hết các chủ đề ở lĩnh vực kinh doanh của website bạn (hay còn gọi là Authority site)

Chúng ta tiếp tục ví dụ ở phần “Phân tầng dựa trên Modifier keyword” ở trên, mình nhắc lại 2 trường hợp chúng ta có thể lựa chọn cấu trúc dựa trên phân tích Modifier keyword:

  • Trường hợp 1: Bồn cầu > Bồn cầu Toto > Bồn cầu Toto 1 khối
  • Trường hợp 2: Bồn cầu > Bồn cầu 1 khối > Bồn cầu Toto 1 khối

Lúc này, bạn cần xác định xem những website đối thủ lên top những keyword liên quan đến chủ đề “bồn cầu”, “bồn cầu toto”, “bồn cầu toto 1 khối”. Tuy nhiên, khi search các keyword như này thì trên SERP, các vị trí top cao chủ yếu là các website liên của thương hiệu Toto. Và tất nhiên, do là thương hiệu Toto nên website họ sẽ phân tầng theo kiểu là: Bồn cầu > Bồn cầu 1 khối.

gtv10 3

Ngoài việc kinh doanh sản phẩm của Toto mình cũng kinh doanh sản phẩm của thương hiệu khác như: Inax, Viglacera. Thì đối thủ chọn phân tích phải là những website cũng vừa bán bồn cầu Toto và vừa bán sản phẩm của thương hiệu khác. Dưới đây là một đối thủ mà mình chọn để phân tích:

gtv11 3

Dựa trên phân tích thêm về đối thủ, mình có thể chọn phương án 1 trong việc phân tầng cấu trúc website.

Có thể thấy, việc phân tầng website dựa trên đối thủ cũng có thể cho ra được những phương án tối ưu. Tuy nhiên, bạn cần kết hợp cả 2 việc phân tích này để có cái nhìn tổng quan hơn về thị trường, lĩnh vực và hành vi tìm kiếm của người dùng để phân tầng website một cách hợp lý và tối ưu nhất.

2. Tạo cấu trúc URL

Tạo cấu trúc URL là việc thiết lập định dạng URL khi đã xác định được các tầng trang nội dung của cấu trúc website. Thông thường, có 2 phương án cho tạo cấu trúc URL: dạng phân cấp và dạng phẳng.

Phương án 1: cấu trúc URL phân cấp (silo vật lý)

Hãy hình dung cấu trúc URL của bạn trông như sau:

https://example.com/bon-cau/toto/1-khoi

Ưu điểm của cấu trúc URL phân cấp

  • Phù hợp với các website E-commerce và các website có số tổng số lượng trang nội dung lớn
  • Người dùng có thể hiểu rõ cấu trúc URL dẫn về đâu, nội dung bài viết là gì
  • Các từ khóa trong URL có thể giúp xếp hạng cao hơn và tăng tỷ lệ nhấp (CTR)
  • Google cũng dựa vào đó đánh giá tầm quan trọng và mức độ liên quan của các URL mới được phát hiện.

Phương án 2: cấu trúc URL dạng phẳng

Hãy hình dung cấu trúc website bạn sẽ như sau:

https://example.com/bon-cau-toto-1-khoi

Ưu điểm của cấu trúc URL dạng phẳng:

  • Phù hợp với một số website có tổng số nội dung trên website ít (có thể tạm gọi là niche website)
  • Thường sẽ áp dụng nhiều cho các website thuần về Blog

Nếu lựa chọn triển khai URL dạng phẳng, bạn phải kết hợp với việc tối ưu giao diện thật hợp lý để có thể thể hiện được rõ ràng cấu trúc website của mình. Nếu không, người dùng và Google cũng sẽ khó hiểu về cấu trúc website của bạn.

3. Tối ưu giao diện

Tối ưu giao diện là việc bố trí, sắp xếp các thành phần hiển thị trên các trang để thể hiện mức độ liên quan và thứ bậc thông qua Internal link. Việc tối ưu giao diện cần đảm bảo thể hiện đúng cấu trúc mà bạn đã thiết lập.

Giao diện của 1 website về thiết bị vệ sinh
Giao diện của 1 website về thiết bị vệ sinh

Để tối ưu giao diện website bạn cần tối ưu những trang trọng yếu như sau:

Tối ưu giao diện trang chủ:

Phải đảm bảo rằng trang chủ thể hiện được các trang, hub-page quan trọng và internal link đến chúng. Thông thường các phần mà một trang chủ cần có:

  • Section link đến những trang hub-page trọng điểm, ở đây có thể là: các trang danh mục sản phẩm, danh mục dịch vụ, …
  • Section giới thiệu thương hiệu, doanh nghiệp và link đến trang cụ đích cụ thể
  • Và một số section khác tuỳ ngành và lĩnh vực của mỗi website: danh mục bài viết, tin tức nổi bật, …

Tối ưu các hub-page:

Hub-page thông thường sẽ là site danh mục hoặc là giới thiệu một chủ đề nào đó. Nó kết nối với các danh mục con và chủ đề dịch vụ chi tiết hơn. Điều chủ chốt  trang danh mục là thêm thông tin và link về tiểu mục hoặc bài đăng/sản phẩm chi tiết

Cấu trúc Hub page tốt nhất là những hub page có nhiều link liên quan trỏ đến. Từ đấy thẩm quyền của Hub page có thể chuyển cho tất cả các chủ đề con được liên kết. Tất cả trang danh mục là các hub page có cấu trúc tự nhiên, thường chúng đã có nhiều liên kết có thẩm quyền.

Tối ưu các trang sản phẩm, dịch vụ, bài viết chi tiết

Chú ý đến việc thiết lập Breadcrumb nhằm thể hiện rõ là trang hiện tại đang thuộc danh mục hay hub-page nào. Đồng thời bạn cũng cần internal link để thể hiện mối quan hệ giữa các trang con với danh mục và hub-page.

4. Tối ưu bộ lọc (website E-commerce)

Tối ưu bộ lọc là việc thiết lập bộ lọc dựa trên những tiêu chí khác nhau mà người dùng có thể tìm kiếm những sản phẩm phù hợp trên website. Dành cho bạn nào chưa biết thì bộ lọc là tính năng lọc sản phẩm dựa trên những tiêu chí mà chúng ta thiết lập.

Mỗi khách hàng khi truy cập vào website của doanh nghiệp sẽ có những mục đích mua hàng khác nhau. Vì vậy, thiết lập bộ lọc tối ưu sẽ giúp khách hàng nhanh chóng tìm được sản phẩm mình mong muốn.

Về việc chọn ra các tiêu chí cho bộ lọc bạn có thể dựa trên:

  • Modifier keyword
  • Dựa trên phân tích đối thủ
  • Dựa trên chân dung và hành vi mua hàng của khách hàng

Một số tiêu chí cơ bản mà bạn có thể tham khảo như:

  • Giá
  • Màu sắc sản phẩm
  • Các tính năng nổi bật
  • Những đặc điểm sản phẩm theo ngành như: kích cỡ (đối với thời trang , giày dép), loại cấu tạo (đối với máy móc, thiết bị), cấu hình (đối với thiết bị điện tử, di động), …
Bộ lọc của website Thế giới di động
Bộ lọc của website Thế giới di động

IV. Tại sao cấu trúc Website lại quan trọng trong SEO?

Cấu trúc Website đóng vai trò quan trọng trong SEO vì nó:

Cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn: Một cấu trúc dễ hiểu và logic giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm và tiếp cận thông tin họ cần. Điều này tạo ra trải nghiệm tích cực, giúp tăng tỷ lệ tương tác và tiếp tục truy cập trang web.

Giúp xây dựng liên kết trang web: Cấu trúc tốt giúp xác định trang chủ và trang con trong trang web, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng và Bot Google dễ dàng nhận biết thứ bậc, mức độ quan trọng của các trang nội dung

Cải thiện tốc độ thu thập thông tin (Crawling): Cấu trúc rõ ràng giúp các máy tìm kiếm hiểu rõ sự liên quan giữa các trang web và thu thập thông tin một cách hiệu quả hơn. Điều này có lợi cho website của bạn sẽ được index dễ dàng hơn và hiển thị trên kết quả tìm kiếm một cách nhanh chóng.

Hiểu rõ nội dung Website (tránh Cannibalization): Cấu trúc tốt giúp máy tìm kiếm hiểu rõ nội dung trang web và các trang con, ngăn chặn hiện tượng cannibalization (hiện tượng ăn thịt từ khóa), tức là khi nhiều trang trong cùng 1 website cùng hiển thị trong kết quả tìm kiếm vì có nội dung tương tự hoặc liên quan. Điều này giúp tối ưu hóa hiển thị các trang chính xác và phù hợp trong kết quả tìm kiếm.

V. Cấu trúc Website nào tốt hơn: Topic Cluster hay Silo?

Topic Cluster hay Silo. Đâu là cấu trúc hiệu quả nhất ?

Mỗi loại cấu trúc sẽ có ưu và nhược khác nhau. Việc lựa chọn sử dụng loại cấu trúc nào còn tùy thuộc vào chiến lược SEO của bạn dành cho website đó như thế nào.

Chọn cấu trúc Silo sẽ tốt hơn nếu:

  • Đã có sẵn trước 100 bài content và đã sắp xếp rõ ràng theo category. Về sau, nếu bạn muốn thêm lĩnh vực mới hay mở rộng chủ đề thì đều có sẵn vị trí cho những bài này.
  • Có thời gian thay đổi các cài đặt trong WP, tạo page, subpage, category, sidebar theo cấu trúc silo … để đẩy mạnh SEO.
  • Nắm vững các yếu tố như internal link, Slug là gì, keyword,…kết hợp lại đòi hỏi kỹ năng SEO khá vững đấy.
  • Ra quá nhiều redirect.

Dùng cluster nếu bạn:

  • Muốn bắt đầu với một lĩnh vực và không chắc có mở rộng website sang các lĩnh vực khác không
  • Không biết cài đặt silo
  • Đang tập trung vào lĩnh vực RẤT hẹp, bất kể quy mô website của bạn
  • Đang có ý định tạo microsite có 10-15 trang để tranh hạng
  • Đã có website lớn, hoạt động ổn định và không muốn thay đổi cấu trúc URL để tạo

Bạn có thể tham khảo bài viết sau đây:  https://gtvseo.com/so-sanh-topic-cluster-va-silo/

Như vậy, qua bài viết trên mình đã cung cấp cho bạn định nghĩa và cách tối ưu theo từng loại cấu trúc website là Silo và Topic Cluster. Hy vọng bài viết góp phần vào chiến lược triển khai SEO của bạn đạt được hiệu quả hơn. Từ đó giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi,  tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Vincent Do

Đỗ Anh Việt (Vincent Do), là một chuyên gia SEO với 10 năm kinh nghiệm, chuyên sâu về Topical authority, semantic web và Content Marketing. Không dừng tại SEO Website, Việt còn nghiên cứu về tỉ lệ chuyển đổi trên website, email marketing và Inbound Marketing.

Với đam mê chia sẻ SEO, Việt cũng có kênh youtube 40.000+ subscriber, lẫn group cộng đồng SEO 70.000+ người hiện tại. Việt đang là một trong những KOL trong ngành SEO tại Việt Nam.

Ngoài là CEO tại GTV SEO, Việt còn đam mê về lĩnh vực AI, ứng dụng AI trong marketing mang lại sự tối ưu về thời gian và hiệu quả cho doanh nghiệp nói chung.

Bài viết cùng chủ đề