SERP Analysis là gì? Hướng dẫn 10 Bước phân tích SERP hiệu quả

Bạn xây dựng được một danh sách từ khoá ưng ý và vạch ra không sót bất kỳ từ khóa liên quan nào. Nhưng đừng vội viết content ngay, vẫn còn một điều cực kỳ quan trọng mà bạn có thể từng bỏ sót đấy. Đó chính là bước kiểm tra từ khóa đạt chuẩn.

Làm sai bước này, không sớm thì muộn, bạn sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc và nguồn lực để SEO cho một từ khóa không mang lại hiệu quả gì.

Biết là vậy, nhưng muốn kiểm tra từ khóa đã đạt chuẩn hay chưa thì phải bắt đầu từ đâu?

SERP Analysis! Đây là bước quan trọng nhất mà bạn cần làm trong quá trình nghiên cứu từ khóa. Thật may vì giờ đây bạn không còn phải đau đầu vì lãng phí thanh xuân cho những từ khoá dù có SEO đến mấy cũng vô ích nhờ vào việc phân tích SERP.

Trong bài viết lần này, bạn sẽ được hướng dẫn từng bước cách tôi sử dụng SERP Analysis để kiểm tra chất lượng từ khóa đạt chuẩn, phân loại content, và quan trọng hơn hết: Xếp hạng đúng từ khóa, đúng chủ đề.

Nhưng trước hết, hãy bắt đầu với khái niệm…

SERP Analysis là gì
Khái niệm SERP Analysis là gì?

SERP Analysis liên quan nhiều đến việc kiểm tra xem trên trang kết quả tìm kiếm đang có những hình thức hiển thị nào để đảm bảo rằng nội dung trên trang web có thực sự phù hợp với Search Intent của người dùng hay không.

Lợi ích của SERP Analysis

Phân tích SERP không phải là sao chép những gì mà các trang xếp hạng hàng đầu đang làm. Thay vào đó, phân tích SERP là dành thời gian phân tích những gì mà những trang xếp hạng hàng đầu đang làm ĐÚNG và ĐỦ. Từ đó bạn có đủ manh mối để lên chiến lược tối ưu mới, tìm ra những từ khóa đáng để nhắm mục tiêu hơn, và không thể không nhắc tới: Cơ hội xây dựng backlink tuyệt vời.

Khi bắt đầu phân tích SERP, bạn sẽ phải cân nhắc và xem xét nhiều yếu tố khác nhau liên quan đến: Domain, Page Authority, chỉ số liên kết, loại content, định dạng content, độ biến động SERP, ý định tìm kiếm,… để giúp bạn:

  • Nhắm đúng từ khóa
  • Viết đúng content
  • Mang về traffic đúng đối tượng mục tiêu
  • Hạ gục đúng đối thủ
  • Duy trì thứ hạng bền vững

Đừng hoảng loạn, sau khi đọc xong bài hướng dẫn chi tiết này, bạn X2 cho mình điểm tự tin để phân tích dữ liệu SERP hiệu quả, kiểm tra từ khóa đạt chuẩn và biết cách ưu tiên các mục tiêu theo thứ tự phù hợp nhất.

Không để bạn đợi lâu, mau lấy giấy bút và lưu lại những điều tuyệt vời đến từ…

10 Bước triển khai SERP Analysis (cùng ví dụ minh hoạ)

Lưu ý: Trong xuyên suốt nội dung hướng dẫn, tôi chủ yếu sử dụng Ahrefs để phân tích dữ liệu từ SERP. Nhưng đừng lo, ở phần cuối tôi sẽ còn đề cập đến những công cụ đắc lực khác nữa. Cùng chờ xem nhé!

#1. Phân tích chỉ số click và traffic tiềm năng

Khi phân tích từ khóa tiềm năng, nhiều bạn thường chỉ dừng lại ở bước kiểm tra lượng volume tìm kiếm của từ khóa.

Thế nhưng bạn đã quên mất rằng Google ngày càng cho ra nhiều kết quả hiển thị dưới dạng Featured Snippet, People Also Ask, Knowledge Panel,… Và người tìm kiếm cũng từ đó mà không còn lý do gì để click vào trang của bạn nữa, vì mọi thông tin họ cần đều đã được hiển thị trực tiếp trên SERP rồi.

Thế nên, sẽ có những tình huống khó đỡ khi bạn giành “ngôi vị” cao nhất cho keyword có lượt tìm kiếm khủng, nhưng chỉ nhận được một vài traffic ít ỏi quá đáng. Thế nên, để không phải “vì yêu cứ đâm đầu” vào một cuộc chơi nắm chắc bàn thua, bạn hãy mau kiểm tra chỉ số click ngay và luôn.

Kiểm tra chỉ số click đơn giản là kiểm tra xem có bao nhiêu lượt tìm kiếm từ khóa diễn ra thì mới mang về được 1 lượt click chuột, cũng như kiểm tra các trang xếp hạng hàng đầu đang nhận được bao nhiêu lượt truy cập từ từ khoá đó.

Ví dụ, theo như số liệu trả về từ Ahrefs Keyword Explorer, bạn có thể thấy từ khoá “trấn thành sinh năm bao nhiêu” có lượng tìm kiếm kha khá với 1.9K / tháng:

seo serp
Từ khoá “trấn thành sinh năm bao nhiêu” có Search Volume 1.9K / tháng.

Nhưng 53% người tìm kiếm từ khóa này KHÔNG click vào trang vì…

Trang kết quả của công cụ tìm kiếm với từ từ khóa trấn thành sinh năm bao nhiêu
Kết quả trả về của “trấn thành sinh năm bao nhiêu”.

Trấn Thành sinh năm bao nhiêu đã được Google hiển thị câu trả lời trực tiếp trên SERP.

Ở một diễn biến khác, “nên mua máy giặt hãng nào” chỉ có 1.5K lượt tìm kiếm / tháng, nhưng lại nhận đến 2.8K lượt click / tháng. Vì Search Intent ẩn sau từ khóa này là: Người mua cần tìm hiểu thật nhiều thông tin trước khi quyết định mua hàng.

seo serp
Từ khóa “nên mua máy giặt hãng nào”

Bạn thấy ở hình dưới, một chiếc Featured Snippet (dạng danh sách) bự chảng xuất hiện ở vị trí đầu tiên, gồm cả băng chuyền hình ảnh máy giặt với đầy đủ các hãng cung cấp nổi tiếng:

serp analyzer
Featured Snippet xuất hiện khi tìm kiếm “nên mua máy giặt hãng nào”.

Bởi vì người mua chưa rõ máy giặt nào phù hợp với nhu cầu của họ, cho nên những keyword chứa cụm từ như: “hãng nào tốt”, “loại nào tốt”,… thường đem lại nhiều lượt click hơn so với những keyword khác. Lúc này, một người tìm kiếm có thể sẽ click vào nhiều hơn 1 trang kết quả để tìm ra cho mình chiếc máy giặt ưng ý nhất.

Một ví dụ khác, 6.9K / tháng là lượng tìm kiếm đáng mơ ước của từ khóa “đèn pin siêu sáng”:

lượt tìm kiếm Internet với từ đèn pin chiếu sáng đến 6.9k/tháng
“đèn pin siêu sáng” với lượng tìm kiếm 6.9K / tháng.

Chưa dừng lại ở đó, số lượt click của từ khoá này còn lên đến 9.4K / tháng. Trông khá ổn, đúng chứ?

Nhưng đừng vội! Để ý kỹ bạn sẽ thấy, so với những keyword ở ví dụ trước thì keyword này chỉ nhận được khoảng 37% lượt click đến từ nguồn organic. Trong khi đó lượt click đến từ Paid Search lại chiếm 18% (có khi lên đến 64% ở tháng 11/2019), tôi sẽ cho bạn biết lý do tại sao.

Tìm kiếm Google với SERP Feature chiếm phần lớn kết quả
Các SERP Feature chiếm phần lớn diện tích trang kết quả.

Hiển thị ở vị trí đầu tiên chính là băng chuyền sản phẩm đặc trưng của Google Shopping Ads (quảng cáo mua sắm), tiếp đó là 2 trang kết quả hiển thị quen thuộc của Google Search Ads (quảng cáo tìm kiếm). Và dữ dội hơn với Google Local Pack chiếm phần lớn diện tích của trang kết quả tìm kiếm.

Vậy bạn có tự tin rằng mình sẽ nhận được lượng Organic Traffic tương đương với lượng volume tìm kiếm khi SEO từ khóa “đèn pin siêu sáng” lên TOP 1? Chỉ SEO thôi là chưa đủ. Để mang về tối đa lượt click cho từ khóa này (cả Paid Click và Organic Click), bạn buộc phải kết hợp SEO với Shopping Ads, Search Ads và cả Local SEO nếu ngân sách marketing của bạn không quá eo hẹp.

Từ 3 ví dụ này, bạn có thể thấy rằng không phải từ khóa nào có lượng volume tìm kiếm cao đều mang về lượng traffic tiềm năng dồi dào. Các tính năng hiển thị SERP như: Featured Snippet, Image Pack, Video Pack, Local Pack,… đã làm thay đổi hoàn toàn hành vi tìm kiếm của người dùng Google hiện nay. Điều này thậm chí còn diễn ra thường xuyên hơn ở những keyword / topic có lượng Search Volume tương đối thấp.

Hãy “khắc cốt ghi tâm” để bạn không phải ân hận khi đầu tư ngân sách cho content, Link Building,… và các hoạt động quảng bá, xúc tiến mở rộng cho những từ khóa mà bạn cứ ngỡ là tiềm năng.

#2. Phân tích từ khóa phụ

Một trang có thể xếp hạng cùng lúc cho hàng trăm, hàng ngàn từ khóa khác nhau. Nếu bạn lo sợ rằng đối thủ của mình đang xếp hạng cho một vài từ khóa bí ẩn nào đó mà bạn có thể đã bỏ sót thì bước phân tích từ khóa phụ này đích thị dành cho bạn.

Từ khóa phụ (Secondary Keyword) là những biến thể từ khoá gần giống với từ khóa chính như: từ không dấu, từ sai chính tả, từ có thứ tự khác nhau nhưng có cùng nghĩa, từ viết tắt, từ đồng nghĩa, từ rút gọn,… và những từ khóa có cùng mục đích tìm kiếm khác. Việc thống kê chưa đầy đủ từ khóa phụ sẽ có nguy cơ khiến bạn đánh mất một lượng traffic tiềm năng không ít.

Để dễ hình dung hơn, hãy xem cách ông lớn thegioididong.com thao túng gần 1,000 Secondary Keyword cho bộ từ khóa “note 10”:

serp analyzer
thegioididong.com xếp hạng cho gần 1,000 từ khóa trên 1 URL

Từ khóa “note 10” với lượng tìm kiếm ấn tượng: 83,000 / tháng, cảm tưởng như sẽ là từ khóa tiêu biểu để mang về lượng traffic áp đảo, nhưng thực tế từ khoá này chỉ mang về khoảng 25% lượng traffic cho tổng trang sản phẩm Samsung Galaxy Note 10+, 75% traffic còn lại thuộc về những từ khóa phụ.

Mặc dù là “vai phụ”, nhưng hiệu ứng traffic tích cực từ những từ khóa Secondary Keyword là điều không còn phải bàn cãi nữa. Thế nhưng cách để tìm ra chúng có thật sự khó?

Rất không khó với sự hỗ trợ của Ahrefs Content Gap! 

Ví dụ, hãy cùng xem qua SERP Overview của keyword “amp là gì” mà GTV nhắm mục tiêu gần đây:

serp la gi
SERP Overview của từ khóa “amp là gì”

Nhìn qua “ống kính” của Ahrefs Keyword Explorer, bạn sẽ thấy bài viết của GTV chỉ Rank Top cho khoảng 33 từ khoá. Số lượng này vẫn còn ít khi so sánh với số lượng từ khóa đến từ một vài bài viết của đối thủ TOP 10.

Với sự hỗ trợ tuyệt vời từ Ahrefs Content Gap, tôi nhanh chóng tìm ra được những từ khoá phụ mà bài viết của mình đang bỏ lỡ.

4 Bước sử dụng Ahrefs Content Gap

Bước 1: Truy cập Ahrefs > Site Explorer > nhập URL của bạn, và đừng quên chọn “Exact URL” trước khi bấm Search.

nhập URL trên thanh công cụ ahrefs
Nhập URL.

Bước 2: Lăn nhẹ chuột xuống vị trí “Organic Search” và bấm chọn “Content Gap”

Chọn Content Gap trên ahrefs
Chọn “Content Gap”.

Bước 3: Tiếp theo, nhập vào từ 3 đến 10 URL của đối thủ.

serp la gi
Nhập 3 – 10 URL đối thủ.

Lưu ý: Hãy chọn “URL” ở ô tùy chọn bên cạnh cho mỗi URL mà bạn nhập vào. Vì rõ ràng ở đây bạn chỉ quan tâm đến những từ khóa của một URL cụ thể chứ không phải cả một domain của đối thủ.

Một điều nữa là hãy giữ cho “At least one of the targets should rank in top 10” (tạm dịch: Ít nhất một trong các mục tiêu phải xếp hạng trong top 10) luôn ở trạng thái màu xanh để kết quả trả về có sự liên quan nhiều nhất.

Bước 4: Bấm “Show keywords”, trước mắt bạn sẽ hiện ra một danh sách từ khóa đối thủ lên top nhưng bạn thì không.

bấm Show keywords trên trang web ahrefs
Bấm “Show keywords” và xem kết quả.

Mẹo: Ở danh sách từ khóa phía trên ☝️, những từ khóa có ít nhất 2 đối thủ cùng xếp hạng với vị trí từ 10 trở lên là những từ khóa có sự liên quan mật thiết nhất. Hãy đảm bảo nội dung của bạn được tối ưu cho những từ khóa này nhé!

#3. Phân tích chỉ số liên kết cấp trang

Chỉ số liên kết cấp trang (Page-Level Link Metrics), hay chỉ số liên kết của từng trang riêng lẻ, thường là các chỉ số về: số lượng liên kết, độ liên quan của các liên kết, độ tin cậy của các liên kết,… mà một trang (page) nhận được.

Trong khuôn khổ của SERP Analysis, tôi chỉ phân tích đến yếu tố có tầm ảnh hưởng nhiều nhất: Referring Domain.

Nghiên cứu gần đây của Ahrefs đã chỉ ra một mối tương quan mạnh mẽ: Trang càng có nhiều Referring Domain trỏ đến, lượng từ khóa xếp hạng càng tăng.

mối tương quan giữa Referring Domain và từ khóa
Mối tương quan giữa Referring Domain và từ khóa xếp hạng | Nguồn ảnh: ahrefs.com

Lưu ý: Quan hệ tương quan không đồng nghĩa với quan hệ nhân quả. Và không có nghiên cứu nào từng đưa ra kết luận trực tiếp rằng Referring Domain chính là nguyên nhân giúp cho Ranking của trang tăng lên.

Dù tương quan không thể mặc định là nhân quả, nhưng tương quan vẫn có thể dẫn đường tới nhân quả. Hầu hết các SEOer lão làng đều sẽ cho bạn biết rằng việc xếp hạng trên trang nhất mà không có Referring Domain nào trỏ về là điều bất khả thi.

(Ở đây tôi chưa bàn đến trường hợp một số website thuộc trường phái SEO “mờ ám” chặn trình thu thập thông tin của các công cụ kiểm tra backlink như Ahrefs, Semrush, Majestic SEO,… hoặc một vài website chỉ nhắm mục tiêu vào những topic có độ cạnh tranh quá thấp, quá ít người SEO.)

Vì vậy, phân tích Referring Domain vẫn là bước cần thiết khi triển khai SERP Analysis. Nhưng, phân tích chỉ số này như thế nào với Ahrefs?

Ví dụ, nhờ sự giúp đỡ của Ahrefs Keyword Explorer, bạn sẽ thấy các trang hàng đầu của từ khóa “đèn pin siêu sáng” đang có lượng Referring Domain khá thấp:

phân tích Google cho từ khóa đèn pin chiếu sáng
SERP Overview của từ khoá “đèn pin siêu sáng”.

Những từ khóa có lượng Referring Domain từ 0 đến < 20 như trên sẽ dễ thở hơn để bạn nhắm mục tiêu tranh hạng.

Ngược lại, SERP Overview của từ khoá “mua bán nhà đất” lại cho thấy các trang hàng đầu đang có lượng Referring Domain không phải dạng vừa, con số lên đến hàng trăm.

phân tích google cho từ khóa mua bán nhà đất
SERP Overview của từ khoá “mua bán nhà đất”.

Vậy nên nếu bạn vẫn muốn nhắm mục tiêu cho từ khóa này, bạn sẽ phải cật lực và vất vả hơn rất nhiều lần.

Trường hợp bạn không chắc về cách xây dựng Referring Domain chất lượng, hãy bắt đầu với sự trợ giúp của:

#4. Phân tích độ uy tín của Domain và URL

Độ uy tín của Domain và URL là 2 khía cạnh luôn “tay trong tay” khi nhắc đến chỉ số liên kết cấp trang. Đơn giản vì cả hai đều là yếu tố quan trọng để đánh giá độ tin cậy và chuyên môn của một trang.

Khi đánh giá tiềm năng của một từ khóa, bạn cần đặc biệt để ý quan sát khi các đối thủ trong TOP 10 có ít nhất 1 – 2 đối thủ có ngưỡng điểm +/- 5 so với điểm DR (Domain Rating) của bạn, và (hoặc) các đối thủ có ngưỡng điểm UR (URL Rating) từ 0 đến < 20.

Lưu ý: Ngưỡng này có thể thay đổi tùy vào chất lượng của các trang xếp hạng hàng đầu. Rõ ràng, các trang web vừa tối ưu tốt cho trải nghiệm người dùng, vừa không có điểm nào để chê về mặt kỹ thuật, thì việc bạn tăng ngưỡng điểm lên là điều hiển nhiên.

Ví dụ, SERP Overview của từ khoá “tin tức” cho thấy toàn bộ các trang tin tức hàng đầu đều có điểm DR cao hơn 80, khiến cho từ khóa này cực kỳ khó để tranh hạng.

Trang kết quả của công cụ tìm kiếm từ khóa tin tức
Các trang xếp hạng cho từ khóa “tin tức” đều có điểm DR > 80.

Hay bạn thử nhìn lại SERP Overview của “đèn pin đội đầu”, hầu như các trang đều có điểm UR từ 0 đến < 20:

Trang kết quả của công cụ tìm kiếm từ khóa đèn pin đội đầu
Hầu như các trang hàng đầu của từ khóa “đèn pin đội đầu” đều có điểm UR từ 0 đến < 20.

Điều kỳ lạ là vẫn tồn tại một vài đối thủ có DR dưới 50. Cho nên, việc nhảy vào trang 1 cho từ khoá “đèn pin đội đầu” là điều không quá khó dành cho những website có tuổi đời non trẻ muốn tranh hạng cùng các “bậc đàn anh” trong ngành.

#5. Phân tích ý định tìm kiếm

Ý định tìm kiếm (Search Intent) hiểu nôm na là câu hỏi tại sao ẩn sau truy vấn tìm kiếm của người dùng. Đây là một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong sản xuất nội dung. Bạn xuất bản một nội dung rất cuốn, nhưng không giải quyết được lý do tại sao người dùng lại tìm đến nó, thì khả năng tranh hạng của nội dung này là rất thấp.

Lúc này, bạn rất cần quan tâm đến…

4 Ý định tìm kiếm phổ biến của người dùng:

  1. Informational (thông tin): Người tìm kiếm đang tìm kiếm câu trả lời cho một câu hỏi đơn giản như “bill gates sinh năm bao nhiêu?”, “seo là gì”,… Hoặc thứ gì đó yêu cầu câu trả lời dài và chuyên sâu hơn như “cách làm seo như thế nào?”. Tuy nhiên, không phải tất cả các tìm kiếm mang ý định thông tin đều được hình thành dưới dạng câu hỏi nghi vấn. VD: “hướng dẫn seo website”, “cách tăng traffic cho website”, “donald trump”, “html5”,… đều không hề chứa một trạng từ nghi vấn nào.
  2. Navigational (điều hướng): Người tìm kiếm muốn tìm đến một trang web cụ thể. Nếu khó hiểu, bạn hãy nhớ đến người cô tuyệt vời của mình đã tìm kiếm “Facebook” trên Google thay vì truy cập facebook.com là xong. Ý định này thường bị chi phối bởi các từ khóa thương hiệu như: “ahrefs”, “google analytics”, “đăng nhập twitter”,…
  3. Commercial Investigation (điều tra thương mại): Người tìm kiếm đang tìm một sản phẩm / dịch vụ cụ thể nhưng vẫn đang chật vật giữa các quyết định của mình. Điều này có thể là họ đang tìm kiếm các bài đánh giá và so sánh giữa các lựa chọn mà họ phân vân. VD: “công ty seo nào tốt nhất”, “seo vs google ads”, “review công ty gtv seo”,…
  4. Transactional (giao dịch): Người tìm kiếm đang tìm cách mua hàng, họ đang bật chế độ sẵn sàng mua. Nhiều khả năng họ đã biết những gì họ muốn mua và đang tìm một nơi để mua nó. VD: “mua macbook pro”, “samsung galaxy s21 ultra 5g 512gb”, “giá iphone 12 pro max 512gb”,…

Ngoài ra, còn có các Search Intent ít phổ biến hơn như:

  • Local Intent (Ý định tìm kiếm địa phương): Người tìm kiếm đang tìm một sản phẩm / dịch vụ gần một vị trí, khu vực cụ thể.
  • Freebies – (Ý định tìm kiếm sự miễn phí): Người tìm kiếm đang tìm một sản phẩm hoặc dịch vụ miễn phí.

Để tự mình “chẩn đoán” được Search Intent ẩn sâu bên trong từng từ khóa, bạn hãy dựa vào:

Hình thức hiển thị kết quả tìm kiếm (SERP Feature)

Một số dạng hiển thị SERP Feature phổ biến ở Việt Nam có thể bạn đã biết như:

  • Featured Snippets – Đoạn trích nổi bật
  • Video Result – Kết quả chuỗi video
  • Image Result – Kết quả chuỗi hình ảnh
  • Local Pack – Danh sách địa chỉ & bản đồ
  • Shopping Result – Kết quả mua sắm
  • Knowledge Graph – Sơ đồ tri thức

Đối với từng loại Search Intent đặc thù, Google thường chỉ hiển thị một số dạng SERP Feature nhất định kể trên mà thôi.

Ví dụ:

Featured Snippet xuất hiện dày đặc ở những từ khóa mang ý định tìm kiếm thông tin (Informational Intent),…

Truy xuất thông tin cho từ khóa các bước seo website
Featured Snippet xuất hiện khi search từ khoá “các bước seo website”.

Hay Shopping Result không xa lạ gì khi bạn tìm kiếm những từ khóa mang ý định giao dịch (Transactional Intent):

Công cụ tìm kiếm trên Internet hiển thị Shopping Result cho từ khóa “macbook pro 16 inch 2020”
Google cho hiển thị Shopping Result cho từ khóa “macbook pro 16 inch 2020”.

Còn Local Pack thì lại là dạng hiển thị điển hình của loại ý định tìm kiếm địa phương (Local Intent):

kết quả hiển thị Local Pack cho từ
Kết quả hiển thị Local Pack cho từ khóa “dịch vụ seo hồ chí minh”.

Lọc danh sách từ khóa theo SERP Feature

Với Ahrefs Keyword Explorer, bạn có thể lọc danh sách từ khóa theo nhiều SERP Feature khác nhau một cách vô cùng nhanh chóng.

Ví dụ, để lọc ra danh sách từ khóa mang Search Intent thuộc loại điều tra thương mại (Commercial Investigation) và giao dịch (Transactional), bạn chỉ cần chọn ra những từ khoá có SERP Feature là Shopping Result.

Cách làm như sau:

  1. Nhập từ khóa của bạn, VD: “macbook pro”
  2. Chọn “Having same terms” ở thanh sidebar bên trái
  3. Trong bộ lọc SERP Features, click chọn “Shopping results” 
nhập từ khóa và phân tích dữ liệu
Nhập từ khóa > Chọn “Having same terms” > Chọn “Shopping results”.

Sau đó ở cột SERP, chọn SERP Dropdown (biểu tượng mũi tên thả xuống bên cạnh) để kiểm tra nhanh SERP Overview của từng từ khóa.

chọn SERP Dropdown để xem tổng quan từng từ khóa
Ở cột SERP, chọn SERP Dropdown để xem Overview của từng từ khóa.

Ngoài ra, bạn còn có thể lọc kết hợp cùng lúc nhiều SERP Feature khác nhau cho cho một loại ý định tìm kiếm có đặc trưng riêng. Một số bộ lọc kết hợp phổ biến có thể kể đến như:

  • Kết hợp Featured Snippet, Knowledge Card và videos để lọc ra nhóm từ khóa thuộc Informational Intent.
  • Bộ lọc Sitelinks và Knowledge Panel để lọc ra nhóm từ khóa thuộc Navigational Intent.
  • Kết hợp giữa Featured Snippet và Adwords để lọc ra nhóm từ khóa thuộc Commercial Investigation Intent.
  • Kết hợp giữa Shopping Results và Google Ads để lọc ra nhóm từ khóa thuộc Transactional Intent.

Lưu ý: Không phải kết quả tìm kiếm nào cũng đều “vừa vặn” với duy nhất một loại Search Intent nhất định. Cùng nhìn lại với từ khoá “iphone 12”, bạn sẽ thấy SERP đang có sự pha trộn giữa nhiều loại Search Intent khác nhau:

SERP Analysis đang có sự pha trộn Search Intent
SERP đang có sự pha trộn Search Intent.

Từ khoá này chỉ ra rằng: Một số người tìm kiếm đang sẵn sàng mua sản phẩm, một số thì đang cân nhắc không biết nên chọn loại sản phẩm nào, số còn lại thì chỉ muốn tìm câu trả lời cho những gì mà họ đang băn khoăn.

Khi SERP bị pha tạp bởi quá nhiều loại Search Intent như trên, bạn hãy bình tĩnh mà kết hợp những Intent có sự nổi trội nhiều nhất của TOP 5 kết quả hàng đầu nhé.

#6. Phân tích loại nội dung

Bạn phấn khích khi vừa cho xuất bản lên website một bài viết tâm đắc, nhưng chẳng may bạn nhận được một vé trượt khỏi TOP 10 vì bài viết không đạt yêu cầu về loại content đúng chuẩn. Và đó là tấn bi kịch tôi hay được khách hàng của mình kể lại.

Bạn có thể dễ dàng kiểm tra đâu là loại content đúng của từ khóa bằng cách phân tích kết quả hiển thị SERP.

Ví dụ:

Khi tìm kiếm “thiết kế nội thất chung cư”, loại nội dung xếp hạng hàng đầu cho từ khóa này là các bài đăng blog dạng danh sách dài tổng hợp những mẫu thiết kế đẹp và sử dụng nhiều hình ảnh minh họa trực quan; tức nó hàm chứa ý định tìm kiếm thông tin hơn là một trang sản phẩm với ý định tìm kiếm thương mại. 

kết quả tìm kiếm cho từ
Kết quả tìm kiếm của từ khóa “thiết kế nội thất chung cư”.

Hay Google ưu tiên hiển kết quả hàng đầu là nội dung thuộc loại video cho từ khóa “học seo online”:

kết quả tìm kiếm cho từ “học seo online”
Kết quả tìm kiếm của từ khóa “học seo online”.

“móc treo quần áo” thì lại khác, hầu như loại nội dung của các trang xếp hạng hàng đầu cho từ khóa này đều là trang danh mục sản phẩm:

Hiển thị kết quả tìm kiếm cho móc treo quần áo
Kết quả tìm kiếm của từ khóa “móc treo quần áo”.

Vì thế, trước khi sản xuất nội dung, hãy luôn kiểm tra loại content nào đang chiếm ưu thế trên SERP, và để tránh nhầm lẫn đáng tiếc, bạn đừng quên phân loại Content Type thật cẩn thận vào sheet tổng hợp danh sách từ khóa của bạn luôn nhé.

#7. Phân tích định dạng nội dung (Content Format)

Một số định dạng nội dung thường gặp:

  • How-to Guide – hướng dẫn cách | VD: Hướng dẫn 31 cách tăng Traffic cho Website nhanh chóng nhất (2023)
  • Step-by-step Tutorial – hướng dẫn từng bước | VD: SERP Analysis là gì? Hướng dẫn 10 bước phân tích SERP hiệu quả
  • Checklist – danh sách tiêu chuẩn | VD: Checklist 22+ tiêu chuẩn SEO Onpage cho website 2023
  • Case Study – câu chuyện thành công | VD: Case Study dịch vụ SEO top Google: Đột phá Doanh thu từ Traffic Website.
  • Roundup – bảng xếp hạng | VD: TOP 10 công ty SEO uy tín, chuyên nghiệp nhất 2023.
  • List Post – danh sách liệt kê | VD: 9 Lý do bạn nên học khóa học SEO Entity Mastermind.
  • Review – đánh giá | VD: Đánh giá có nên mua Macbook Pro 13 inch 2023 không?
  • Comparison – so sánh | VD: SEO Tổng thể và SEO Từ khóa: Đâu là sự lựa chọn tốt nhất?

Quay lại với từ khóa “thiết kế nội thất chung cư”, như đã phân tích ở bước trước đó, Blog Post chính là loại nội dung chuẩn cho từ khóa này. Nhưng để đáp ứng Search Intent một cách đầy đủ hơn, nó cần được viết ở dạng List Post (danh sách liệt kê những mẫu thiết kế đẹp).

Một ví dụ khác, khi search “công ty seo uy tín”, bạn sẽ thấy rằng dạng content nổi trội nhất của từ khóa này là bảng xếp hạng.

Hiểu thị kết quả tìm kiếm
Kết quả tìm kiếm của “công ty seo uy tín”.

Còn nếu bạn thử tìm “tăng cân” thì hầu hết các nội dung ở định dạng How-to sẽ được ưu tiên hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm:

Hiển thị kết quả tìm kiếm keyword “tăng cân”
Kết quả tìm kiếm của keyword “tăng cân”.

Thế nên, việc sử dụng không đúng loại và dạng luôn là cách nhanh nhất để đưa các trang nội dung của bạn đi vào ngõ cụt.

#8. Phân tích chất lượng nội dung

Ở bước này, bạn phải vào vai một người dùng thực để kiểm tra chất lượng nội dung của đối thủ một cách hoàn toàn thủ công, điều mà Ahrefs hay các công cụ SEO quen thuộc vẫn chưa thể lượng hóa được ở thời điểm hiện tại.

Một vài khía cạnh phổ biến như:

  • Cách trình bày nội dung đa phương tiện (hình ảnh, video, âm thanh,…): Kiểm tra xem nội dung của đối thủ thường sử dụng hình ảnh, video có hiệu quả diễn đạt cao, giàu ngữ nghĩa hay chúng chỉ đơn giản là dùng để “lấp đầy” sự rời rạc giữa các câu văn dài 7 nghìn 9 vạn chữ.
  • Hành văn: Google hay bất kỳ độc giả nào cũng đều “hỡi ôi” với những câu từ sai ngữ pháp, diễn đạt túc tắc, mạch ý khó hiểu. Ngoài ra, hãy kiểm tra xem nội dung của đối thủ được viết với văn phong trang trọng, chuẩn mực hay có phần trẻ trung, năng động,… để đưa ra lối viết phù hợp hơn cho nội dung của bạn.
  • Cấu trúc nội dung: Google yêu thích những nội dung được tổ chức, sắp đặt có hệ thống và dễ theo dõi. Để kiểm tra xem nội dung có tuân theo cấu trúc hợp lý hay chưa thì bạn hãy kiểm tra thứ bậc phân cấp của các tiêu đề (Heading) và tiêu đề phụ (Subheading) đã đúng trật tự? Đồng thời việc sử dụng đánh số thứ tự cũng giúp cho cấu trúc nội dung của bạn dễ đọc, dễ nắm bắt hơn nhiều.

Note: Để sản xuất nội dung vừa thỏa mãn ý định người dùng, vừa tối ưu chuẩn SEO cho công cụ tìm kiếm thì những gì được đề cập ở trên vẫn chưa thể đầy đủ và hoàn chỉnh được. Nếu bạn quan tâm, hãy xem toàn bộ các tiêu chuẩn tại bài viết “Hướng dẫn cách viết bài chuẩn SEO (2023)” của tôi nhé!

Trường hợp bạn tìm thấy một vài nội dung kém chất lượng đang tồn tại trên trang kết quả hàng đầu, thì việc tạo ra thứ gì đó vượt trội hơn, nổi bật hơn để đánh gục đối thủ là điều không khó.

Để tôi làm rõ hơn cho điều này bằng 2 ví dụ điển hình qua “cặp mắt” của Ahrefs SERP Overview cho content chất lượng kém và content chất lượng cao.

Content chất lượng kém

Hãy thử search từ khóa “balo rush 24”, bạn sẽ thấy một số trang sản phẩm có nội dung chất lượng kém đang thản nhiên “trà trộn” trên trang kết quả tìm kiếm hàng đầu:

SERP của
SERP Overview của “balo rush 24”.

Và đây là nội dung của một trong số những trang có thứ hạng cao:

nội dung của trang có thứ hạng cao
Nội dung của một trang có thứ hạng hàng đầu.

Không quá 10 chữ là tất cả những gì mà nội dung mô tả sản phẩm của trang này mang đến cho người dùng của họ. Vậy liệu có quá khó để bạn tạo ra nội dung cung cấp đầy đủ thông tin hơn, nhanh chóng “cướp” được vị trí của trang này?

Cũng là một trang có thứ hạng cao của từ khóa “balo rush 24”: 

trang có thứ hạng cao khác của từ khóa “balo rush 24”
Nội dung một trang có thứ hạng cao khác của từ khóa “balo rush 24”.

Không thể phủ nhận một điều rằng nội dung Copy-Paste từ Google Dịch luôn là hành vi gây bất mãn nghiêm trọng đến trải nghiệm đọc hiểu của người truy cập. Vì vậy, dù lý do gì đi chăng nữa, chẳng một người dùng nào sẽ dễ dàng tha thứ cho những trang có nội dung kém chất lượng như vậy.

Content chất lượng cao

Bạn thử tìm kiếm “du lịch quy nhơn” và sẽ thấy SERP chứa đầy nội dung chất lượng cao.

SERP Overview của từ khóa “du lịch quy nhơn”
SERP Overview của từ khóa “du lịch quy nhơn”.

Mỗi bài viết đều đầy ắp bởi những thông tin bổ ích, hình ảnh các điểm đến tuyệt đẹp, vừa đủ để khiến chúng trở thành những nguồn thông tin tuyệt vời cho người dùng.

Sau khi xem xét chất lượng nội dung, rõ ràng sẽ không dễ để bạn đánh bại đối thủ cạnh tranh cho từ khóa này.

#9. Phân tích độ biến động của SERP

Thứ hạng Google luôn thay đổi. Đó đôi khi là sự xê dịch chậm rãi ngày qua ngày của 1 hoặc 2 URL quen thuộc, cũng có khi là những URL “từ trên trời rơi xuống” lọt vào Top 5 một cách đáng nghi ngờ.

Vậy điều đó có nghĩa lý gì chăng?

Nếu kết quả tìm kiếm cứ ổn định vậy mãi thì Google thật sự thảnh thơi vì đã tìm ra được những nội dung hàng đầu có thể đáp ứng được mong muốn của người dùng từ năm này qua tháng nọ.

Ngược lại, nếu thứ hạng từ khóa thay đổi đột ngột và diễn ra liên tục thì rõ ràng ý định người dùng chưa thực sự được đáp ứng tốt. Thế nên, những từ khóa có phần bất ổn về thứ hạng sẽ có nhiều tiềm năng hơn để bạn hướng đến mục tiêu: kết liễu đối thủ!

Với Ahrefs Keyword Explorer, bạn có thể kiểm tra lịch sử biến động thứ hạng trước đây của từ khóa nhờ vào biểu đồ “SERP position history”:

lịch sử biến động của từ
Lịch sử biến động thứ hạng của từ khóa “dịch vụ seo”.

Lưu ý: Để theo dõi xu hướng biến động gần đây nhất, bạn nên chọn khoảng thời gian hiển thị trong vòng “6 months” thay vì “All time”. Và bật / tắt các đường biểu diễn trong trường hợp bạn chỉ muốn hiển thị xu hướng của một hoặc 2 trang nhất định mà thôi.

Thế nhưng, ngoài kia đang diễn ra những kiểu biến động nào đáng để bạn quan tâm?

Kiểu biến động thú vị đầu tiên tôi muốn bạn để tâm hơn một chút khi phân tích SERP, đó chính là:

Ít hoặc không có sự biến động trong thứ hạng

Các trang hàng đầu có thứ hạng ổn định trong khoảng thời gian dài luôn là những trang lý tưởng để đáp ứng cho ý định tìm kiếm của người dùng.

Ví dụ: biểu đồ xu hướng biến động thứ hạng của từ khóa “mua máy giặt” cho thấy không có bất kỳ sự thay đổi nào đáng kể trong vòng 6 tháng qua:

lịch sử biến động của từ “mua máy giặt”
Lịch sử biến động thứ hạng của từ khóa “mua máy giặt”.

5 trang này đã và đang đáp ứng hoàn hảo cho ý định của người tìm kiếm, vì vậy nếu bạn muốn xếp hạng ngang hàng hoặc cao hơn đối thủ thì đừng ngại học hỏi từng “đường đi nước bước” của họ và đừng quên làm điều đó tốt hơn, ấn tượng hơn nhé.

Sự biến động thứ hạng chỉ diễn ra ở một vài trang

Đôi khi bạn sẽ thấy một số trang có thứ hạng nhảy số liên tục, trong khi những trang còn lại vẫn tương đối “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.

Ví dụ: Biểu đồ đường biểu diễn thứ hạng của từ khóa “nên mua máy giặt hãng nào” cho thấy một số trang xếp hạng khá ổn định nhưng một số trang thì lại gặp tình trạng “xỉu up xỉu down”:

lịch sử biến động của từ “nên mua máy giặt hãng nào”
Lịch sử biến động thứ hạng của từ khóa “nên mua máy giặt hãng nào”.

Đối với trường hợp này, việc nhắm mục tiêu đánh bại những trang ít ổn định hơn về mặt thứ hạng sẽ là phương án khôn ngoan và dễ dàng thành công nhất.

Có rất nhiều biến động trong thứ hạng

Khi bạn bắt gặp có quá nhiều biến động đã và đang diễn ra, có thể là do Google đang vật lộn để có thể hiểu được ý định tìm kiếm chính xác của người dùng.

Điều này thường xảy ra khi bạn tìm kiếm một từ khóa là từ đa nghĩa, VD: Từ khóa “mercury” có thể ám chỉ đến Sao Thuỷ (hành tinh), thuỷ ngân (nguyên tố hóa học), Mercury Marine (tên thương hiệu ), Freddie Mercury (huyền thoại nhạc rock), hoặc Mercury Repeater (bộ kích sóng Wifi),…

lịch sử biến động của từ “mercury”
Lịch sử biến động thứ hạng của từ khóa “mercury”.

Thật khó để nhắm mục tiêu cho các từ khóa nhiều nghĩa như thế vì ý định tìm kiếm quá đa dạng và không rõ ràng.

Lưu ý: Nếu bạn bắt gặp loại biến động này diễn ra ở những từ khóa vốn đã có ý định tìm kiếm rõ ràng, điều đó củng cố một niềm tin rằng, Google vẫn đang tìm kiếm những nội dung có thể đáp ứng tốt nhất cho ý định tìm kiếm đó. Và còn gì tuyệt hơn khi đây cơ hội để bạn có thể chen chân và lấp đầy vào những “lỗ hổng”, điều mà Google đang luôn chờ đợi?

#10. Phân tích tốc độ liên kết

Bằng cách phân tích các chỉ số liên kết cấp trang, bạn có thể dự đoán được lượng liên kết cần thiết để “gấp đôi canxi”, tăng cường sức cạnh tranh cho trang ở một thời điểm nhất định. Thế nhưng, để duy trì hiệu quả cạnh tranh trong dài hạn lại là một câu chuyện rất khác.

Về chỉ số liên kết cấp trang, bạn đã được giải đáp ở bước #3 rồi. Ở bước này, tôi sẽ bàn sâu hơn về cách phân tích tốc độ backlink trỏ về trang hàng tháng để nhằm mục đích to lớn: Duy trì sức bền cạnh tranh!

Đầu tiên, hãy nhập từ khóa mục tiêu của bạn – Ví dụ: “laptop hp” – Vào Ahrefs Keyword Explorer và cuộn xuống phần SERP Overview:

SERP Overview của từ “laptop hp”
SERP Overview của từ khóa “laptop hp”.

So với các trang còn lại trên kết quả tìm kiếm, thegioididong.com có số lượng Referring Domain cao nhất (116), và có điểm UR đứng đầu bảng (33).

Tuy nhiên, điều bạn cần quan tâm ở đây là tốc độ mà họ xây dựng các backlink mới nhanh như thế nào để tăng độ uy tín và duy trì thứ hạng bền vững ở ngôi vị số 1.

Vì vậy, tiếp theo, bạn hãy nhấp vào biểu tượng mũi tên thả xuống (màu xanh lá) bên cạnh URL và sau đó một menu xem nhanh sẽ hiện lên và bạn nhấp vào “Overview”:

Chọn “Overview” để xem và phân tích dữ liệu
Ở menu xem nhanh, chọn “Overview”.

Thao tác này giúp xem toàn bộ thông tin “sơ yếu lý lịch” của URL mà bạn vừa chọn. Tiếp đó, bạn nhấp vào “New” trong mục Backlink Profile:

Chọn “New” trong mục Backlink Profile
Nhấp vào “New” trong mục Backlink Profile.

Báo cáo này sẽ trình bày cụ thể cho bạn số lượng backlink có được cũng như bị mất trong các phạm vi ngày khác nhau. Bạn có thể tùy chọn phạm vi ngày ngay dưới khung lịch như: 7, 30 hoặc 60 ngày.

ước lượng mức backlink trung bình chung
Lần lượt chọn các phạm vi ngày để ước mức backlink trung bình chung.

Hãy lần lượt chọn từng phạm vi ngày và ghi lại số lượng backlink mới để bạn có thể ước tính được mức backlink trung bình chung. (Và lưu ý đừng quên giữ cho “One link per domain” luôn ở trạng thái màu xanh lam nhé.)

Ví dụ, đối với thegioididong.com:

  • 7 ngày = 4 backlink mới từ các tên miền duy nhất
  • 30 ngày = 13 backlink mới từ các tên miền duy nhất
  • 60 ngày = 31 backlink mới từ các tên miền duy nhất

Từ những con số không biết nói dối trên đây, bạn có thể thấy rằng trung bình cứ cách nhau 2 ngày, họ luôn có khoảng 1 backlink mới trỏ về.

Vì vậy, nếu bạn muốn tăng thêm sức mạnh ổn định để xếp hạng cao hơn thegioididong.com ở từ khóa “laptop hp”, bạn sẽ cần đâu đó khoảng 120 backlink (từ các tên miền duy nhất). Sau đó phân bổ chúng với tần suất khoảng 15 backlink / tháng và khoảng 4 backlink / tuần là ổn bạn nhé.

​Công cụ hỗ trợ SERP Analysis

Tôi đã sử dụng Ahrefs trong hầu hết các bước của hướng dẫn này, nhưng bạn cũng có thể sử dụng các công cụ SEO khác để phân tích SERPs với hiệu quả tương tự (hoặc gần như tương tự).

SERP Checker by Mangools

Công cụ hỗ trợ SERP Analysis - SERP Checker by Mangools
SERP Checker by Mangools

SERPChecker by Mangools là công cụ chuyên dành cho phân tích SERP với hơn 45+ chỉ số SEO quan trọng. SERPChecker hỗ trợ bạn kiểm tra xem yếu tố gì đang gây ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm tự nhiên của một từ khóa bất kỳ. Chẳng hạn như bạn có thể:

  • Phân tích điểm mạnh, yếu của trang đối thủ
  • Phân tích thứ hạng
  • So sánh kết quả trên desktop với mobile
  • Kiểm tra SERP Feature
  • Tùy chỉnh quốc gia, thành phố để xem kết quả thứ hạng theo khu vực địa lý
  • Ngoài ra còn so sánh website của bạn với website của đối thủ

SEOquake

Công cụ hỗ trợ SERP Analysis - SEOquake
Công cụ SEOquake

Công cụ SEOquake (by SEMrush) là một tiện ích mở rộng tuyệt vời mà bất kỳ ai làm SEO cũng đều biết. Nó giúp bạn:

  • Xem báo cáo tổng quan SEO của bất kỳ trang web nào chỉ trong nháy mắt
  • Đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ
  • Phân tích Internal Link và External Link của một trang
  • Đánh giá độ khó của từ khóa
  • Xem chi tiết các thông số về backlink

Với SEOquake, việc phân tích SERP trở nên tiện lợi hơn khi các chỉ số SEO cần thiết đều được hiển thị ngay dưới mỗi URL sau bước search từ khóa trực tiếp trên thanh Search Bar Google.

Tùy từng trường hợp và mục đích sử dụng, bạn có thể ẩn bớt và chỉ cho hiển thị một vài thông số bạn quan tâm nhất để tránh phải rối mắt bởi quá nhiều thông số hiển thị cùng lúc. Chưa hết, bạn còn có thể sắp xếp thứ tự hiển thị các trang theo một thông số cụ thể, cũng như dễ dàng xuất ra file kết quả dưới dạng tệp CSV.

Moz SERP Analysis

Tính năng Moz SERP Analysis
Tính năng Moz SERP Analysis

Moz SERP Analysis là một tính năng nằm trong công cụ Keyword Explorer được phát triển bởi Moz. Nó mang đến cho bạn một góc nhìn tổng quan các trang kết quả top 10 với các chỉ số đánh giá, đo lường hiệu quả SEO đặc trưng của Moz. Bạn có thể sử dụng những chỉ số này để phân tích điểm mạnh yếu của các đối thủ đang SEO cùng bộ từ khóa mà bạn đang nhắm mục tiêu.

Ở phần đầu trang, báo cáo phân tích SERP sẽ hiển thị đến bạn:

  • Lượng tìm kiếm từ khóa hàng tháng
  • Độ khó của từ khóa
  • CTR (từ nguồn tự nhiên)
  • Độ ưu tiên từ khóa
Báo cáo phân tích SERP Analysis
Báo cáo phân tích SERP hiển thị các thông tin

Còn ở phần dưới, bạn sẽ có một cái nhìn rõ hơn về các SERP Feature và số liệu Moz của từng trang, bao gồm: Page Authority, Domain Authority, lượng Referring Domain trỏ đến một trang, lượng Referring Domain trỏ đến một Root Domain.

Bạn có thể phân tích SERP miễn phí với Google Tìm kiếm. Trong nháy mắt, bạn có thể nhìn thấy trực tiếp các SERP Feature, phân biệt Search Intent, đánh giá loại, định dạng và chất lượng nội dung.

Nhưng, nếu chỉ sử dụng Google Search không thôi, bạn sẽ bỏ lỡ các dữ liệu quan trọng về link và traffic, những dữ liệu mà bạn chỉ có thể có được nhờ sự hỗ trợ của những công cụ khác.

Bắt đầu triển khai SERP Analysis ngay hôm nay!

SERP Analysis là luôn bước quan trọng nhất của quá trình nghiên cứu từ khóa.

Thế nên, hãy sử dụng các bước đã được tôi hướng dẫn ở trên để kiểm tra độ đạt chuẩn chính xác hơn cho những từ khóa tiềm năng bạn muốn nhắm mục tiêu nhé.

Dưới đây là một số điều cần lưu tâm:

  • Hãy thực hiện phân tích SERP cho mọi từ khóa mà bạn tối ưu SEO.
  • Bạn có thể sử dụng Google tìm kiếm hoặc công cụ phân tích SERP cho nghiên cứu của mình. Nhưng để có kết quả toàn diện nhất, hãy sử dụng song song cả hai.
  • Đừng quên Search Intent. Nếu bạn tạo nội dung không phù hợp với ý định tìm kiếm của người dùng, thì dù nội dung đó có tốt đến đâu cũng khó có thể tranh hạng nổi.

Lời kết

Tôi hy vọng bạn yêu thích bài viết lần này nhiều như cách tôi đã bỏ công sức để viết nó. Phân tích SERP Analysis là một bằng chứng khác để khẳng định rằng nghiên cứu từ khóa là một quá trình rất phức tạp. Còn bạn thì sao? Bạn sẽ phân tích SERP khi thực hiện nghiên cứu từ khóa chứ?

Hẹn gặp lại bạn ở bài viết tiếp theo!

Đỗ Anh Việt (Vincent Do), là một chuyên gia SEO với 10 năm kinh nghiệm, chuyên sâu về Topical authority, semantic web và Content Marketing. Không dừng tại SEO Website, Việt còn nghiên cứu về tỉ lệ chuyển đổi trên website, email marketing và Inbound Marketing.Với đam mê chia sẻ SEO, Việt cũng có kênh youtube 40.000+ subscriber, lẫn group cộng đồng SEO 70.000+ người hiện tại. Việt đang là một trong những KOL trong ngành SEO tại Việt Nam.Ngoài là CEO tại GTV SEO, Việt còn đam mê về lĩnh vực AI, ứng dụng AI trong marketing mang lại sự tối ưu về thời gian và hiệu quả cho doanh nghiệp nói chung.
Vincent Do
Khám phá nhiều chủ đề khác